Giá củi đốt ở Đức tăng vọt do nhu cầu tích trữ trước mùa đông

NĂNG LƯỢNG Đức
06:23 - 26/09/2022
Giá củi và viên nén mùn cưa tháng 8 ở Đức tăng gấp đôi so với năm ngoái. Ảnh: Getty Images
Giá củi và viên nén mùn cưa tháng 8 ở Đức tăng gấp đôi so với năm ngoái. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Giá năng lượng đắt đỏ khiến người Đức quay trở về với hình thức sưởi ấm cơ bản trước đây là tích trữ củi để đối phó với mùa đông. Tuy nhiên, giá củi và viên nén mùn cưa tháng 8 ở nước này đã tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái.

RT dẫn số liệu của Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố gần đây cho biết, giá củi và viên nén mùn cưa trong tháng 8 đã tăng 85,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu cho thấy, giá củi đốt tăng nhanh hơn nhiều so với giá tiêu dùng nói chung vốn tăng 7,9% trong cùng kỳ.

Cục Thống kê Đức đã giải thích rằng: “Các lý do khiến giá củi và viên nén mùn cưa tăng trên mức trung bình là do nhu cầu tăng vọt, cũng như giá mua và chi phí vận chuyển trong ngành gỗ cao hơn”.

Cơ quan này cũng lưu ý rằng, nhiều người dân Đức đang chuyển sang đốt củi như một cách thay thế khí đốt để sưởi ấm ngôi nhà trong mùa đông sắp tới, trong bối cảnh giá năng lượng tại nước này tăng cao.

Giá năng lượng đắt đỏ khiến người Đức quay về với hình thức sưởi ấm truyền thống là củi gỗ. Ảnh: Serbia Postsen

Giá năng lượng đắt đỏ khiến người Đức quay về với hình thức sưởi ấm truyền thống là củi gỗ. Ảnh:

Serbia Postsen

Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng do nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga bị đình trệ. Moscow tuyên bố dừng vô thời hạn đường ống chuyển khí đốt Nord Stream 1 đến Đức từ hồi đầu tháng 9.

Berlin cáo buộc Moscow đang “vũ khí hóa năng lượng” và gây áp lực lên ngành năng lượng nước này và EU. Trong khi Nga tuyên bố, đường ống xảy ra vấn đề kỹ thuật và các lệnh trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân gây gián đoạn nguồn cung.

Tháng trước, Berlin đã tiết lộ một loạt biện pháp nhằm giảm tiêu thụ khí đốt trong mùa đông sắp tới. Các biện pháp bao gồm giảm nhiệt độ sưởi từ 20 độ C xuống 19 độ C đối với các văn phòng và các tòa nhà công cộng, ngoại trừ các cơ sở xã hội như bệnh viện. Các doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà bán lẻ lớn, cũng đã bắt đầu giảm việc tiêu thụ điện năng.

Chính phủ Đức cũng đã liên tục kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện và khí đốt, thậm chí còn bao gồm cả việc cắt giảm tần suất tắm nước nóng.

Ngoài ra, Berlin trước đó cũng từng yêu cầu các nhà khai thác khí đốt cần nhanh chóng lấp đầy các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất, đồng thời tuân thủ một lịch trình quản lý nghiêm ngặt để đảm bảo cả nước có đủ nhiên liệu cho mùa đông kéo dài. Theo đó, nước này quy định các kho dự trữ phải đảm bảo mức 85% vào ngày 1/10 và đạt 95% vào ngày 1/11.

Giá năng lượng tăng đột biến đã và đang tác động đến các hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp châu Âu. Trong khi chiến sự tại Ukraine vẫn đang chưa có hồi kết, nhiều nước tại khu vực này buộc phải chạy đua để tìm kiếm nhà cung cấp thay thế cho Nga, đồng thời vật lộn với lạm phát tăng cao và khủng hoảng năng lượng đe dọa gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.

Một số chính phủ cũng đưa ra các biện pháp quyết liệt để hạn chế sử dụng năng lượng, như cấm chiếu sáng bên ngoài cho các tòa nhà và hạ nhiệt độ sưởi ấm trong nhà.

Tin liên quan

Đọc tiếp