Liên kết doanh nghiệp - HTX đang ‘mạnh ai nấy làm’ vì thiếu 'tư lệnh'

HTX Liên kết
21:05 - 26/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, sự liên kết vùng giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) đang còn hạn chế, do thiếu một cơ chế điều hành cấp vùng để mối liên kết này thực sự đạt hiệu quả.

Gần 70% HTX nông nghiệp còn đang đứng một mình

Để nâng cao sức chống chịu tốt hơn cho nền kinh tế ứng phó với các thách thức trong tăng trưởng sắp tới, một trong những biện pháp cần làm được Chính phủ xác định là đẩy mạnh liên kết vùng trong cả nước, trong đó có liên kết giữa các doanh nghiệp với HTX.

Tại diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng: Tăng tốc phát triển kinh tế, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và hợp tác xã” do Tạp chí Kinh doanh tổ chức ngày 26/10, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định, chỉ có liên kết vùng mới có thể tăng hiệu quả quản lý vĩ mô và vi mô của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hợp tác xã hiện còn những yếu kém, khi tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân mới chỉ đạt 37%. Có 70% HTX nông nghiệp hiện còn chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX cho rằng, để mối liên kết giữa doanh nghiệp và HTX phát triển đòi hỏi cần có “một nhạc trưởng” để tái phân công và phối hợp giữa các bên trên quy mô vùng.

"Đã đến lúc việc liên kết từng vùng miền cũng như liên kết giữa doanh nghiệp và HTX phải tổ chức lại một lần nữa, dưới sự cầm trịch của một ‘tư lệnh cấp cao’ đủ sức điều phối các mối quan hệ. Như vậy mới đưa ra được chương trình hợp tác cụ thể mà các bên đều được lợi, không phải lo xảy ra chuyện xé rào, mạnh ai nấy làm như hiện nay”.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh

Nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp

Tham gia góp ý về cơ chế liên kết vùng cho khu vực kinh tế tập thể, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế là xu thế tất yếu.

Chính phủ đang chú trọng và khuyến khích việc xây dựng và thực thi các chính sách “từ dưới lên”, với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và các bên liên quan tại địa phương. Nhưng bên cạnh đó, bà Minh cũng chung quan điểm với ông Thịnh là cần có cách tiếp cận “từ trên xuống”, trong quá trình ban hành và thực thi các chính sách nhằm cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Trong thời gian tới, bà Minh nhấn mạnh cần hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm.

"Từ đó hình thành các chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước, thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn", Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

5 vùng nguyên liệu tạo cơ sở cho liên kết sản xuất và tiêu thụ

Xác định việc xây dựng vùng nguyên liệu nông sản có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên kết vùng giữa doanh nghiệp và HTX, tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2022, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô 166.800 ha thuộc 13 tỉnh.

Thứ nhất là Sơn La, Hòa Bình với vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc, diện tích 14.000 ha.

Thứ hai là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…), tổng diện tích 22.900 ha.

Thứ ba là Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông với vùng cà phê Tây Nguyên, 19.700 ha.

Thứ tư là An Giang, Kiên Giang với vùng lúa gạo Tứ giác Long Xuyên, 50.000 ha.

Thứ năm là Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang với vùng cây ăn quả Đồng Tháp Mười, 60.200 ha.

"Mục tiêu của các vùng nguyên liệu là phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân sản xuất nguyên liệu. Từ đó giảm chi phí sản xuất đầu vào từ 5 - 10%, giảm tổn thất sau thu hoạch 5 - 10% và gia tăng giá trị từ 10 - 20%", ông Nguyễn Quốc Toản cho biết.

Tin liên quan

Đọc tiếp