Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
08:12 - 20/04/2023
Gói viện trợ mới nhất của Mỹ cho Ukraine bao gồm đạn dược cho hệ thống tên lửa HIMARS. Ảnh: Reuters
Gói viện trợ mới nhất của Mỹ cho Ukraine bao gồm đạn dược cho hệ thống tên lửa HIMARS. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/4 thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự trị giá 325 triệu USD, bao gồm đạn dược bổ sung cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Theo RT, gói viện trợ quân sự này là đợt viện trợ quân sự thứ 36 mà Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ tháng 8/2021.

Gói này bao gồm đạn dược cho hệ thống HIMARS, đạn pháo 155mm và 105mm, cùng một số loại vũ khí chống tăng, bao gồm tên lửa TOW, bệ phóng AT-4 vác vai và mìn chống tăng. Phần còn lại là hơn 9 triệu viên đạn vũ khí nhỏ, các loại đạn trên không và phụ tùng thay thế.

Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine ảnh 1

Đạn pháo 155mm tại Nhà máy Đạn dược Quân đội Scranton ở Scranton, Pennsylvania, Mỹ, ngày 12/4. Ảnh: AFP

“Nga có thể kết thúc cuộc chiến của mình ngay hôm nay”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố. “Cho đến khi Nga làm điều đó, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi sẽ đoàn kết với Ukraine đến chừng nào còn có thể”, theo Reuters.

Kể từ tháng 1/2023, giới chức Mỹ không còn tiết lộ có bao nhiêu loại đạn trong các gói vũ khí mà họ dành cho Ukraine. Tuy nhiên, một số số liệu này có thể được xác định được bằng cách so sánh tờ thông tin bổ sung do Lầu Năm Góc công bố với tờ đi kèm của gói vũ khí cuối cùng, được công bố trước đó vào ngày 20/3.

Theo RT, tổng số số đạn pháo 155mm mà Mỹ gửi tới Kiev kể từ ngày 20/3 vẫn không thay đổi ở mức “hơn 1.500.000” và số lượng đạn 105mm cũng không thay đổi ở mức “hơn 450.000”. Gói mới nhất bao gồm hơn 500 viên đạn 155mm dẫn đường chính xác, 200 tên lửa TOW và 1.000 tên lửa AT-4.

Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã cảnh báo rằng nỗ lực trang bị vũ khí cho Ukraine đã làm cạn kiệt kho vũ khí quân sự của Mỹ và châu Âu. Theo các tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ gần đây, tình trạng thiếu đạn dược có thể cản trở cuộc phản công mùa xuân vốn được chờ đợi từ lâu của Ukraine.

Trong khi đó, giới chức Nga cũng nhiều lần cảnh báo các quốc gia phương Tây đã tự biến mình thành những bên tham gia vào cuộc xung đột khi trang bị vũ khí cho Ukraine. Hồi đầu tháng này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các gói viện trợ vũ khí của phương Tây gửi Kiev “không thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine ảnh 2

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS

Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 20/4 ra tuyên bố Moscow coi bất kỳ hoạt động cung cấp vũ khí nào cho Ukraine là hành động thù địch công khai chống Nga. Đây là bình luận của Nga đối với tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về khả năng Seoul cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 19/4, Tổng thống Yoon Suk-yeol nói rằng Hàn Quốc có thể bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine trong trường hợp có một tình huống mà cộng đồng quốc tế không thể tha thứ, ví dụ như một cuộc tấn công dân sự quy mô lớn hoặc vi phạm các luật lệ chiến tranh,

Tuyên bố này được cho là Hàn Quốc đang để ngỏ khả năng cung cấp vũ khí tấn công cho Ukraine lần đầu tiên sau hơn 1 năm kiên định với lập trường ngược lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp