Ngành gỗ chuyển đổi số để thích ứng Covid-19

XNK Việt nAM
21:26 - 23/01/2022
Dù đạt kết quả khả quan năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn cần lựa chọn chuyển đổi số nếu muốn phát triển bền vững - Ảnh: minh họa
Dù đạt kết quả khả quan năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn cần lựa chọn chuyển đổi số nếu muốn phát triển bền vững - Ảnh: minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Trước vấn đề đại dịch có thể kéo dài thêm cũng như các vấn đề về logistics tăng cao, các doanh nghiệp ngành gỗ đang đứng trước yêu cầu cần phải thực hiện quá trình chuyển đổi số toàn diện để thích nghi.

Năm 2021, xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% về so với cùng kỳ, trong đó sản phẩm gỗ đạt 11 tỷ USD, tăng 16,1%. Ngành gỗ năm vừa qua đã có những bước tiến đáng kể dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Lợi thế xuất phát từ nhu cầu về thị trường đồ gỗ, đặc biệt là đồ gỗ trong tiêu dùng gia đình còn rất cao cũng như các ưu đãi từ các hiệp định thương mại FTA.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), các thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Nhật vẫn là những thị trường có thuế suất ưu đãi đối với ngành gỗ Việt Nam. Trong đó, thị trường Mỹ hiện đang chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.

Theo ông Phương, trong vài năm tới, thị trường của ASEAN và Trung Quốc sẽ là hai thị trường mà ngành gỗ sẽ xuất khẩu những sản phẩm có giá trị cao.

“Trong thời gian tới, Việt Nam có thể xuất khẩu được đồ gỗ vào thị trường Trung Quốc. Tôi nghĩ, năm 2023, 2024 sẽ là năm nổi lên của ngành gỗ tại ASEAN và Trung Quốc”, ông Phương chia sẻ.

Trong năm 2022, ngành gỗ đặt mục tiêu tăng trưởng 15%. Dự báo cuối năm 2022 sẽ là thời điểm tăng tốc của ngành gỗ. Với đà tăng trưởng như hiện tại, ông Phương cho rằng đến năm 2024, ngành gỗ sẽ đạt mức 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, ngành gỗ của Việt Nam còn phải đối mặt với không ít những khó khăn.

Thách thức với ngành gỗ

Chi phí logistics quá cao trở thành gánh nặng lớn nhất đối với ngành gỗ hiện nay, đặc biệt, khi Mỹ lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP. HCM (FFA) cho biết, giá container sang Mỹ trước đây chỉ khoảng 2.000 USD. Sau hai năm, con số này đã lên tới 10.000 – 15.000 USD.

“Hiện nay doanh nghiệp cũng không dám nhận quá nhiều đơn hàng, bởi chi phí cao, hàng tồn động trong doanh nghiệp rất nhiều, khiến thâm hụt vốn”, ông Phương nói.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt lao động và giá nguyên liệu tăng cao đã buộc doanh nghiệp tái cấu trúc mặt hàng của mình. Theo bà Chi, giá nguyên liệu hiện cũng tăng giá từ 30 – 50% so với hai năm trước.

Trong khi đó, thiếu hụt lao động của doanh nghiệp gỗ chiếm khoảng 10 – 15%, và lên tới 15 – 20% trong dịp Tết Nguyên Đán.

Khi xuất khẩu, các yêu cầu về môi trường, truy xuất nguồn gốc tại các nước nhập khẩu ngày càng cao, doanh nghiệp phải thay đổi để phù hợp và phát triển bền vững. Ông Phương nhận định “Doanh nghiệp đang đặt ra kỳ vọng tốc độ tăng trưởng 16 – 18%/năm. Với mức tăng trưởng này sẽ phù hợp cho các doanh nghiệp chắt lọc lại khách hàng, sản phẩm”.

Doanh nghiệp ngành gỗ đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong dịp Tết Nguyên Đán - Ảnh: minh họa

Doanh nghiệp ngành gỗ đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong dịp Tết Nguyên Đán - Ảnh: minh họa

Theo ông, năm 2022 doanh nghiệp không chỉ còn chú trọng đến tốc độ tăng trưởng mà còn phải xét đến tính hiệu quả từ sản xuất. Xây dựng thương hiệu cũng như phát triển mẫu mã phù hợp trở thành vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp.

Song song với đó, dù có nhiều thách thức nhưng đây cũng được coi là cơ hội để các doanh nghiệp tiến tới chuyển đổi số. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp giải quyết bài toán thiếu hụt lao động mà còn giúp doanh nghiệp tiến gần hơn với nền kinh tế 4.0 của thế giới.

Chuyển mình bằng công nghệ số

Hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ đang nỗ lực rất cao trong việc chủ động tìm phương án chuyển đổi số. Doanh nghiệp tìm cách vận hành chuỗi cung ứng trong bối cảnh giãn cách và nhiều khu vực bị phong tỏa. Đồng thời cố gắng tương tác với khách hàng tại các nước trên thế giới, duy trì mối quan hệ thương mại vốn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Scansia Pacific, dịch Covid-19 là động lực và bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Sản xuất gỗ có không ít thử thách về công nghệ, nguyên vật liệu, đòi hỏi sự kiểm soát đồng bộ hóa cao. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp kiểm soát sự đồng bộ nhanh chóng, chính xác nhất, đồng thời kiểm soát chi phí trong sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Phương, chuyển đổi số trong việc kết nối toàn bộ chuỗi chưa nhiều. Chính vì vậy cần có chiến lược cụ thể và lâu dài về việc chuyển đổi số.

Về phía Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Bộ đang triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua việc tích hợp, áp dụng công nghệ số. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh.

Năm 2022, chương trình sẽ tập trung vào ba gói chính. Gói thứ nhất là hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số có quy mô nhỏ. Những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ từ 20 – 50 triệu đồng/năm.

Gói thứ hai là tăng tốc chuyển đổi số cho doanh nghiệp đang tăng trưởng. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa.

Gói thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Về phía Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM, ông Phương cho biết, HAWA hỗ trợ hội viên thông qua nền tảng chuyển đổi số Platform. Thông qua nền tảng này, HAWA sẽ nâng cao khả năng liên kết và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp. HAWA hiện đã xây dựng một văn phòng với 10.000 cơ sở dữ liệu và 600 thành viên. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với thông tin cũng như thúc đẩy giao thương.

Mặt khác, HAWA hiện có hai nền tảng chuyển đổi số là showroom ảo trực tuyến và nền tảng truy xuất nguồn gốc. Qua đó, doanh nghiệp ngành gỗ có thể xác minh nguồn gốc gỗ, truy xuất đầy đủ thông tin, đánh giá rủi ro cũng như đáp ứng yêu cầu của các nước thuộc EU và thị trường Mỹ.

Chuyển đổi số và thương mại điện tử đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu hướng nổi bật ở hiện tại và trong tương lai. Đây cũng là giải pháp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa khi dịch Covid-19 làm ngăn chặn việc giao thương quốc tế.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Internet của Việt Nam lọt vào top 3 trong khu vực Đông Nam Á, đạt 21 tỷ USD, trong đó thương mại điện tử đạt 13 tỷ USD. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam có thể đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Đông Nam Á.

Tin liên quan

Đọc tiếp