Nguy cơ mất thị phần hạt tiêu vì không đạt chuẩn chất lượng

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
10:08 - 05/12/2021
Nguy cơ mất thị phần hạt tiêu vì không đạt chuẩn chất lượng
0:00 / 0:00
0:00

Nông dân trồng tiêu Việt Nam và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với nguy cơ mất thị phần nghiêm trọng nếu không đưa ra các biện pháp kiểm soát chất lượng theo các tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ.

Do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, tiêu mất mùa, nguồn cung giảm mạnh nên giá tiêu cuối năm có xu hướng tăng mạnh. Đây là tình hình chung của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Theo thông tin từ Hiệp hội hạt tiêu Việt Nam, trong tuần trước (22 - 26/11) tại khu vực Nam Á, giá tiêu Ấn Độ tiếp tục theo chiều hướng tích cực do sự gia tăng của nhu cầu và sự dịu đi của đại dịch Covid-19. Tiêu đen nội địa của quốc gia này tăng 4%, từ 6.223 USD/tấn lên 6.501 USD/tấn; giá FOB (Free On Board) tiêu đen tại cảng Kochi cũng tăng 10%, từ 6.501 lên 7.125 USD/tấn.

Còn tại Sri Lanka, giá tiêu nội địa tăng tuần thứ 6 liên tiếp. Tiêu đen nội địa của quốc gia này tăng 5%, từ 4.895 USD/tấn lên 5.163 USD/tấn. Giá tiêu tại Sri Lanka đã tăng tới 24% trong hơn 1 tháng qua.

Giá tiêu giao dịch nội địa và quốc tế của Indonesia vẫn giữ ổn định sau 3 tuần tăng liên tiếp do thị trường ít giao dịch. Cụ thể, tiêu đen nội địa của quốc gia này ổn định trong khoảng 3.819 USD/tấn đến 3.830 USD/tấn; tiêu trắng nội địa đi ngang từ 6.481 đến 6.501 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Lampung giữ nguyên từ 4.524 USD/tấn đến 4.538 USD/tấn; giá FOB tiêu trắng tại cảng Pinang trong khoảng 7.459 - 7.482 USD/tấn.

Tại Việt Nam, giá tiêu tăng cao sau một thời gian dài giảm sâu do nguồn cung không còn dồi dào khi tiêu mất mùa, diện tích trồng giảm mạnh.

Cụ thể, giá tiêu ghi nhận ngày 3/12 tại Gia Lai có mức thấp nhất thị trường với giá 84.000 đ/kg. Giá tại các tỉnh Đồng Nai là 84.500đ/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk (85.000 đ/kg); Bình Phước là (85.500 đ/kg); Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đạt ngưỡng cao nhất với mức 86.500 đ/kg.

Hồ tiêu tăng giá, tạo nguồn lợi lớn cho nông dân sản xuất.

Hồ tiêu tăng giá, tạo nguồn lợi lớn cho nông dân sản xuất.

Hiện đang trong thời điểm rộ vụ thu hoạch nhưng giá bán tại vườn cũng lên tới 80,5-90 nghìn đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhận định về thị trường tháng cuối năm 2021, các báo cáo cùng chuyên gia đều nhận định sẽ tăng mạnh. Những bên đã gom hàng trong đợt giảm giá tháng 11 sẽ bán ra khi thị trường cán các mốc 90.000 - 95.000 - 100.000 đồng/kg.

Vào tuần trước, giá tiêu nội địa đã từng ghi nhận xu hướng giảm. Cụ thể, giá tiêu đen trong nước giảm 1%, từ 3.528 USD/tấn xuống 3.494 USD/tấn; tiêu trắng nội địa giữ nguyên trong khoảng 5.361 - 5.368 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Tp. Hồ Chí Minh giữ trong khoảng 4.290 USD/tấn với loại 500g/l; giá FOB tiêu trắng tại cảng Tp. Hồ Chí Minh ổn định tại 6.500 USD/tấn.

Chỉ có khoảng 40% sản lượng hồ tiêu đáp ứng được yêu cầu

Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 10 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 3.446 USD/tấn, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Xét về thị trường xuất khẩu, riêng tháng 10/2021, xuất khẩu hồ tiêu sang nhiều thị trường chủ lực tăng so với tháng 10/2020, ngoại trừ Mỹ, Ấn Độ và Pakistan. Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng so với cùng kỳ năm 2020, ngoại trừ Philippines và Ai Cập.

Tuy nhiên, dù sản lượng xuất khẩu lớn nhưng ngành hồ tiêu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức như: Giảm lợi thế cạnh tranh quốc tế về chất lượng và giá, đặc biệt là việc sử dụng hóa chất nông nghiệp không đúng cách. Do vậy, chỉ có khoảng 40% sản lượng hồ tiêu đáp ứng được yêu cầu về dư lượng của thị trường nhập khẩu.

Mặt khác, nông dân trồng tiêu Việt Nam và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với nguy cơ mất thị phần nghiêm trọng nếu không đưa ra các biện pháp kiểm soát chất lượng theo các tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ.

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đưa ra dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, mang lại lợi ích cho nông dân sản xuất nhỏ tại Việt Nam.

Dự án tập trung thúc đẩy sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong ngành hồ tiêu, nhằm giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp, nỗ lực góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu phát triển ngành hồ tiêu bền vững.

Mục tiêu của dự án là tăng 15% thu nhập từ sản xuất hồ tiêu trong số 20% các hộ nông dân tham gia vào dự án; tăng 5% diện tích được nông dân áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững; tăng 5% hồ tiêu được chứng nhận của những công ty tham gia vào dự án; tăng 15% sản lượng hồ tiêu đạt tiêu chuẩn mức dư lượng của thị trường EU. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2021 - 2023, địa điểm thực hiện tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai. Tổng vốn của dự án (viện trợ không hoàn lại) là trên 1 triệu Euro.

Tin liên quan

Đọc tiếp