Mỹ cáo buộc Nga dùng an ninh lương thực 'làm con tin', Moscow phản bác

Lương thực THẾ GIỚI
10:08 - 20/05/2022
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp "Lời kêu gọi hành động về an ninh lương thực toàn cầu" hôm 18/5. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp "Lời kêu gọi hành động về an ninh lương thực toàn cầu" hôm 18/5. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Nga tại LHQ chỉ trích việc an ninh lương thực toàn cầu đang bị đe dọa do các lệnh trừng phạt của phương Tây và tác động do đại dịch Covid-19, trong khi đó Mỹ lại cáo buộc Nga dùng nguồn cung lương thực làm "con tin" trong cuộc chiến tại Ukraine. 

“Hãy ngừng phong tỏa các cảng ở Biển Đen, ngừng đe dọa hoặc từ chối xuất khẩu lương thực và phân bón tới những nước chỉ trích hành động của các vị", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ chủ trì hôm 19/5.

Ông Blinken đưa ra cáo buộc: "Nguồn cung lương thực cho hàng triệu người Ukraine và người dân trên thế giới đang bị quân đội Nga bắt làm con tin theo đúng nghĩa đen”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Nga lấy lương thực làm "con tin". Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Nga lấy lương thực làm "con tin". Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phản bác rằng đất nước ông đang bị đổ lỗi cho “tất cả tai ương của thế giới”. Ông cho biết thế giới từ lâu đã phải hứng chịu rủi ro về an ninh lương thực do cơn bão lạm phát và khó khăn về hậu cần và tình trạng đầu cơ tại thị trường phương Tây.

Ông chỉ ra rằng, các cảng của Ukraine bị chính nước này phong tỏa và Kiev từ chối hợp tác với các hãng vận tải biển khiến tàu nước ngoài bị ách tắc tại các cảng. Đại sứ Nga cũng tố cáo các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga khiến tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực trên toàn thế giới tồi tệ hơn.

Theo Reuters, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng có bài đáp trả cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ trên Telegram hôm 19/5: "Nga luôn sẵn sàng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ. Nhưng chúng tôi cũng mong được các đối tác thương mại hỗ trợ, bao gồm trên các nền tảng quốc tế".

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow đảm bảo an ninh lương thực nếu phương Tây không can thiệp vào công việc của nước này. Ảnh: Sputnik

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow đảm bảo an ninh lương thực nếu phương Tây không can thiệp vào công việc của nước này. Ảnh: Sputnik

"Mọi thứ trở nên phi logic khi một mặt họ áp đặt biện pháp trừng phạt chống Nga, mặt khác vẫn yêu cầu chúng tôi cung cấp thực phẩm. Mọi việc sẽ không diễn ra như vậy. Chúng tôi không phải những kẻ ngốc", ông nói.

Chiến sự tại Ukraine đã khiến giá lương thực, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón tăng vọt. Báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, giá lương thực toàn cầu hiện tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nga và Ukraine vốn là hai trong số các vựa lúa mì lớn nhất thế giới khi chiếm khoảng 30% tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Trong đó, Ukraine từng xuất khẩu 4,5 triệu tấn ngũ cốc hàng tháng. Nga và Belarus chiếm hơn 40% xuất khẩu kali toàn cầu.

"Các cánh đồng ở châu Âu và những nơi khác sẽ chỉ toàn cỏ dại nếu không có phân bón của chúng tôi. Chúng tôi sẽ đảm bảo các quốc gia khác có lương thực và ngăn chặn cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay, miễn là các vị đừng can thiệp vào công việc của chúng tôi", ông Dmitry Medvedev nhấn mạnh.

Hiện tại, tình hình an ninh lương thực bất ổn khi đứt gãy nguồn cung và gánh nặng lạm phát khiến làn sóng bảo hộ lương thực xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Một số chính phủ đã ban lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm để bảo vệ nguồn cung nội địa cho đến cuối năm nay. Châu Phi và Trung Đông, Đông Âu và Trung Á và Nam Á được dự báo là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine đối với nguồn cung ngũ cốc.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, nếu cuộc chiến tại Ukraine không thể đi đến điểm dừng thì khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu vẫn sẽ đe dọa đà tăng trưởng kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 18/5 cho biết, ông đang cố gắng tạo ra một thỏa thuận cho phép Ukraine nối lại xuất khẩu lương thực và phục hồi sản xuất lương thực và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, nhằm cứu vãn cuộc khủng hoảng này trước khi nó trở nên tồi tệ hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp