Nhật Bản hướng tới ASEAN trong kế hoạch thúc đẩy công nghệ thu giữ carbon

Hợp Tác NHẬT BẢN
09:28 - 06/04/2022
Một sà lan chở than trên sông Mahakam ở Indonesia. Ảnh: Reuters
Một sà lan chở than trên sông Mahakam ở Indonesia. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Nhật Bản đang có kế hoạch làm việc với các quốc gia thành viên ASEAN để phát triển công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Đây là một phần trong tầm nhìn của Thủ tướng Fumio Kishida về một cộng đồng châu Á không phát thải.

Nikkei Asia đưa tin, mặc dù tình hình chiến sự leo thang tại Ukraine khiến giá dầu thô và các năng lượng khác trên thế giới tăng cao, nhưng các nền kinh tế mới nổi châu Á và khu vực ASEAN có thể vượt qua khó khăn này bằng cách phát triển các công nghệ năng lượng sạch và ít carbon.

Nhật Bản tin rằng các dự án thu giữ và lưu trữ carbon có thể thu hút sự quan tâm của các quốc gia, cho phép các doanh nghiệp giảm thiểu lượng khí thải trong các hoạt động sản xuất. Bên cạnh việc sẽ thu được lợi nhuận từ các cơ hội kinh doanh mới, dự án của Nhật Bản cũng hướng tới mục tiêu đóng góp vào một châu Á xanh hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mong muốn tạo ra một 'Cộng đồng không phát thải châu Á'. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mong muốn tạo ra một 'Cộng đồng không phát thải châu Á'. Ảnh: Reuters

Trong một bài phát biểu về chính sách hồi tháng 1, Thủ tướng Kishida cho biết: "Chúng tôi mong muốn hợp lực với các quốc gia có cùng chí hướng ở châu Á để tạo ra một 'Cộng đồng không phát thải châu Á' ".

Nhà lãnh đạo Nhật Bản sau đó đã trích dẫn các công nghệ cụ thể như thu giữ và lưu trữ carbon, tái chế carbon để sản xuất hóa chất và nhiên liệu,.. là những lĩnh vực hợp tác quốc tế có thể có trong cuộc thảo luận tại Ủy ban Ngân sách Hạ viện.

Những công nghệ như vậy đang nắm giữ "chìa khóa để khử cacbon trong khi vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch và có thể dẫn đến các cơ hội kinh doanh mới", ông Kishida nói thêm.

Hiện tại, các doanh nghiệp Nhật Bản đang khám phá các cơ hội thương mại liên quan đến quá trình khử cacbon. Chính phủ nước này cũng có kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính cho họ để khuyến khích khởi động các hoạt động kinh doanh và thử nghiệm mới trên khắp châu Á.

Có thể kể đến liên doanh khí đốt tự nhiên của Mitsubishi và Mitsui - đang xem xét các hoạt động thu giữ và lưu trữ carbon ở Australia. Ngoài ra, một liên doanh giữa Tokyo Electric Power và Chubu Electric Power có tên JERA, đang thử nghiệm một công nghệ để khí amoniac chiếm 50% năng lượng được sử dụng để đốt cháy carbon trong một nhà máy điện than vào năm tài chính 2028.

Tập đoàn dầu khí hàng đầu Nhật Bản Inpex đầu tư 100 tỷ Yên (868 triệu USD) để xây dựng một trong những cơ sở thu giữ carbon lớn nhất thế giới tại Australia. Ảnh: Nikkei Asia
Tập đoàn dầu khí hàng đầu Nhật Bản Inpex đầu tư 100 tỷ Yên (868 triệu USD) để xây dựng một trong những cơ sở thu giữ carbon lớn nhất thế giới tại Australia. Ảnh: Nikkei Asia

Không giống như nhiên liệu hóa thạch, amoniac không tạo ra khí CO2 khi đốt cháy. Nhật Bản dự định tạo ra các chuỗi cung ứng ở châu Á về amoniac, hydro và các nguồn tài nguyên khác đóng vai trò quan trọng trong quá trình khử cacbon.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đặt mục tiêu đưa ra các quy tắc quốc tế mới về tài chính liên quan đến quá trình khử cacbon, đồng thời sẽ đào tạo thêm các chuyên gia trong lĩnh vực này và đẩy hoạt động buôn bán carbon giữa các quốc gia trong khu vực.

Có những lo ngại cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cạnh tranh với Nhật Bản trong công nghệ khử carbon, nhưng Thủ tướng Kishida cho biết ông không coi Trung Quốc là đối thủ trong trong kế hoạch này. Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, nhưng nước này cũng đang tích cực áp dụng việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Kế hoạch 'Cộng đồng không phát thải châu Á' được Thủ tướng Nhật Bản lấy cảm hứng một phần từ việc thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC). Được ra mắt vào năm 1952, tổ chức này đã góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế lớn hơn giữa các nước lớn ở châu Âu, mở đường cho sự hình thành cuối cùng của Liên minh châu Âu (EU).

Trong Hội nghị trực trực tuyến Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos vào tháng 1, ông phát biểu: “Cũng giống như Liên minh châu Âu bắt đầu với tên gọi Cộng đồng Than Thép châu Âu trong Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đang hình dung ra một 'Cộng đồng châu Á không phát thải' ở châu Á". Nhà lãnh đạo Kishida coi việc khử carbon là một cơ hội để các khu vực gắn kết với nhau hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp