Những trận động đất thảm khốc nhất thế giới trong 20 năm qua

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ
07:19 - 12/02/2023
Trong hơn 2 thập kỷ trở lại, thế giới đã trải qua một số trận động đất gây hậu quả thảm khốc, khiến hàng chục nghìn tới hàng trăm nghìn người thiệt mạng và gây ra thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ USD.

Trái Đất đã từng xảy ra những trận động đất với các mức cường độ khác nhau. Có những trận động đất với cường độ rất mạnh lên tới 9,5 độ Richter, như ở trận động đất Chile năm 1960. Tuy nhiên, thương vong về người và của lại không thể sử dụng cường độ trận động đất để đo đếm mà nó thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ độ sâu của tâm chấn, mật độ dân số hay sức chống chịu của các công trình kiến trúc tại nơi chịu ảnh hưởng.

Một số trận động đất với tâm chấn nông sẽ gây ra sự dao động trên bề mặt Trái Đất nhiều hơn, khiến thương vong nặng nề hơn dù có cường độ không quá lớn. Trong khi một số trận động đất khác dù có cường độ lớn nhưng lại xảy ra ngoài đại dương nên ảnh hưởng được giảm thiểu đi rất nhiều.

Hậu quả của sóng thần tại Aceh, Indonesia. Ảnh: Philip A. McDaniel/U.S. Navy

Hậu quả của sóng thần tại Aceh, Indonesia. Ảnh: Philip A. McDaniel/U.S. Navy

Động đất và sóng thần trên biển Ấn Độ Dương năm 2004

Ngày 26/12/2004, lúc 7h59 sáng theo giờ địa phương, một trận động đất dưới đáy biển Ấn Độ Dương với cường độ 9,1 đã xảy ra ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia. Chỉ trong vòng 7 giờ tiếp theo, trận động đất này đã gây nên một cơn sóng thần với phạm vi ảnh hưởng tới tận các khu vực ven biển xa xôi như Đông Phi.

Theo thống kê chính thức, thảm họa này đã khiến ít nhất 225.000 người ở hàng chục quốc gia thiệt mạng với các nước Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Maldives và Thái Lan là chịu thiệt hại nặng nề nhất. Chỉ riêng tại Indonesia, các quan chức ước tính số người chết vượt quá 200.000 người, đặc biệt là ở tỉnh Aceh phía bắc Sumatra.

Trong khi đó tại Sri Lanka và Ấn Độ, hàng chục nghìn người được báo cáo là đã tử vong hoặc mất tích, phần lớn đến từ lãnh thổ Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Không chỉ có người dân tại các quốc gia này chịu thiệt hại mà có tới vài nghìn khách du lịch không phải người châu Á đi nghỉ tại Maldives cũng được báo cáo là đã tử vong hoặc mất tích.

Một trong các nguyên nhân khiến số người thương vong gia tăng là do tình trạng thiếu lương thực, nước sạch, chăm sóc y tế cũng như tình trạng quá tải tại các đội cứu trợ. Thiệt hại môi trường về mặt lâu dài tại các quốc gia bị sóng thần ảnh hưởng cũng nghiêm trọng khi với các ngôi làng, khu du lịch, đất nông nghiệp và ngư trường bị phá hủy hoặc ngập trong các mảnh vụn, xác chết và nước mặn.

Muzaffarabad, Pakistan trong trận động đất năm 2005. Ảnh: Timothy Smith/U.S. Navy
Muzaffarabad, Pakistan trong trận động đất năm 2005. Ảnh: Timothy Smith/U.S. Navy

Động đất Kashmir, Pakistan năm 2005

Ngày 8/10/2005, vào lúc 8h50 sáng theo giờ địa phương, một trận động đất với cường độ 7,6 độ Richter xảy ra tại Pakistan. Tâm chấn của trận động đất này nằm cách Muzaffarabad, trung tâm hành chính của khu vực Azad Kashmir 19 km về phía đông bắc và cách thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng 105 km về phía bắc - đông bắc.

Trận động đất gây ra sự tàn phá lớn ở miền bắc Pakistan, miền bắc Ấn Độ và Afghanistan, một khu vực nằm trên một đường đứt gãy đang hoạt động trên tiểu lục địa Ấn Độ. Khu vực Muzaffarabad là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với một số ngôi làng bị phá hủy hoàn toàn.

Chính phủ Pakistan cho biết ít nhất 32.335 tòa nhà bị sập ở các thành phố trong khu vực chịu ảnh hưởng với con số tử vong rơi vào ngưỡng 79.000 người và số người bị thương ước tính hơn 69.000 người. Tại các bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, ít nhất 1.350 người thiệt mạng và 6.266 người bị thương được ghi nhận.

Trường học bị hư hại ở Ánh Tú, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: iStockphoto

Trường học bị hư hại ở Ánh Tú, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: iStockphoto

Động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008

Một trong những trận động đất có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử Trung Quốc xảy ra ngày 12/5/2008 tại khu vực miền núi nằm ở trung tâm của tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Theo các nhà khoa học quốc gia này, tâm chấn của trận động đất mạnh 8,0 độ Richter và nằm gần thành phố Đô Giang Yển cách thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên là Thành Đô khoảng 80 km về phía tây - tây bắc.

Ở độ sâu 19 km, trận động đất này đã san phẳng khoảng 80% các công trình trong khu vực bị ảnh hưởng, với toàn bộ làng mạc và thị trấn trên núi bị phá hủy trong khi nhiều trường học bị sập. Hàng trăm con đập, trong đó có hai con đập lớn, đã bị hư hại nặng. Thảm họa này cũng gây ra thiệt hại ước tính 86 tỷ USD cho chính phủ Trung Quốc.

Theo đánh giá chính thức của chính phủ Trung Quốc, có gần 90.000 người, trong đó có hơn 5.300 trẻ em, được coi là thiệt mạng. Ngoài ra, có gần 375.000 người bị thương do các mảnh vỡ rơi xuống và các tòa nhà sụp đổ.

Để khắc phục thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng triển khai 130.000 binh sĩ và các nhân viên cứu hộ đến khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thiếu thốn thiết bị cứu hộ hiện đại, thiệt hại trên diện rộng cùng với các khó khăn trong tiếp cận các ngôi làng xa xôi đã khiến công tác cứu hộ gặp nhiều chậm trễ. Ngoài những người dân thiệt mạng trong thảm họa, có khoảng 200 nhân viên cứu hộ cũng thiệt mạng do các vụ sạt lở đất.

Trận động đất xảy ra do sự va chạm của các mảng kiến tạo Ấn Độ - Australia và Á - Âu dọc theo đường đứt gãy Long Môn Sơn dài 249 km. Lực nén gây ra bởi sự dịch chuyển các mảng kiến tạo đã cắt mặt đất ở hai vị trí dọc theo đường đứt gãy, đẩy mặt đất lên cao khoảng 9m ở một số nơi. Trong nhiều ngày, tháng và cả những năm sau đó, khu vực này vẫn ghi nhận nhiều dư chấn, đặc biệt là một dư chấn cường độ 5,0 độ Richter tại Thành Đô hồi tháng 5/2010.

Người dân đào bới trong đống đổ nát tại Haiti sau trận động đất tại đây năm 2010. Ảnh: Joe Raedle/Getty Images

Người dân đào bới trong đống đổ nát tại Haiti sau trận động đất tại đây năm 2010. Ảnh: Joe Raedle/Getty Images

Động đất ở Haiti (Hispaniola) năm 2010

Vào lúc 4h53 chiều ngày 12/1/2010 theo giờ địa phương, một trận động đất xảy ra tại khu vực cách thủ đô Port-au-Prince của Haiti khoảng 25 km về phía tây nam với cường độ 7,0 độ Richter. Ngay sau đó, 2 cơn dư chấn có cường độ 5,9 và 5,5 độ Richter liên tục xảy ra và tình trạng này kéo dài tới những ngày tiếp theo. Đặc biệt tới ngày 20/1, một dư chấn khác mạnh 5,9 độ richter xảy ra tại Petit Goâve, một thị trấn cách Port-au-Prince khoảng 55 km về phía tây.

Kể từ thế kỷ 18, Haiti đã không trải qua bất kỳ trận động đất nào lớn như vậy. Với mật độ dân số cao và tâm chấn nông, trận động đất này trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử từng được ghi lại khi nó khiến hàng trăm nghìn người tử vong.

Con số người chết chính xác tương đối khó nắm bắt trong bối cảnh Haiti chìm trong đống đổ nát và đau thương. Một số ước tính cho thấy số người thiệt mạng rơi vào khoảng 100.000 người, tuy nhiên con số chính thức được chính phủ Haiti đưa ra là hơn 300.000 người.

Trong khi đó, những nỗ lực cứu trợ quốc tế từ các tổ chức và các chính phủ nhằm giúp đỡ người dân Haiti về mặt y tế, thực phẩm và nước uống lại bị cản trở do hệ thống điện bị hỏng, mất đường dây liên lạc và đường giao thông bị hư hỏng. Một tuần sau sự kiện, một số ít viện trợ đã đến được bên ngoài Port-au-Prince và thậm chí một tuần sau đó nữa nguồn viện trợ mới chỉ tới được các khu vực thành thị khác một cách lẻ tẻ.

Tình cảnh thiếu thốn nguồn lực hỗ trợ, chăm sóc y tế cũng như viện trợ nhu yếu phẩm đã tạo nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực bị động đất ảnh hưởng.

Khung cảnh tan hoang tại Ōfunato, tỉnh Iwate, Nhật Bản do thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Ảnh: AP

Khung cảnh tan hoang tại Ōfunato, tỉnh Iwate, Nhật Bản do thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Ảnh: AP

Động đất và sóng thần tại Nhật Bản năm 2011

Ngày 11/3/2011, một trận động đất với cường độ 9,0 độ Richter đã xảy ra vào lúc 2h46 chiều theo giờ địa phương tại phía đông bắc Nhật Bản. Thường được gọi là Đại động đất Sendai hay đại động đất Tohoku, tâm chấn của thảm họa này nằm cách thành phố Sendai, tỉnh Miyagi khoảng 130 km về phía đông và ở độ sâu khoảng 30 km dưới đáy phía tây Thái Bình Dương.

Với cường độ này, nó trở thành trận động đất mạnh nhất từng được ghi chép tại Nhật Bản kể từ thế kỷ 19. Nhiều báo cáo cho thấy rung lắc có thể cảm nhận được ở tận những khu vực xa xôi như Petropavlovsk- Kamchatsky tại Nga, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và Cao Hùng tại Đài Loan.

Trước trận động đất, đã có một số sự kiện xảy ra, trong đó bao gồm 1 trận động đất mạnh 7,2 độ Richter có tâm chấn cách tâm chấn của trận động đất chính khoảng 40 km. Sau khi trận động đất chính xảy ra, hàng trăm cơn dư chấn, trong đó có hàng chục cơn có cường độ từ 6,0 độ Richter trở lên và hai cơn có cường độ từ 7,0 độ Richter trở lên, liên tục xảy ra trong những ngày và cả những tuần sau trận động đất chính.

Trong khi đó, lực đẩy đột ngột theo chiều ngang và chiều dọc của mảng kiến tạo Thái Bình Dương còn khiến nước biển dịch chuyển và sinh ra sóng thần. Từ tâm chấn, sóng thần lao đi với tốc độ gần 800 km/h, gây ra cảnh báo khắp lưu vực Thái Bình Dương. Nó tạo ra những đợt sóng cao từ 3,3 đến 3,6m dọc theo bờ biển Kauai và Hawaii thuộc chuỗi Quần đảo Hawaii và những con sóng cao 1,5 mét dọc theo đảo Shemya thuộc chuỗi Quần đảo Aleutian.

Vài giờ sau, sóng thần cao 2,7m tấn công bờ biển California và Oregon ở Bắc Mỹ. Cuối cùng, khoảng 18 giờ sau trận động đất, những con sóng cao khoảng 0,3m đã ập đến bờ biển Nam Cực và khiến một phần của thềm băng Sulzberger bị vỡ.

Theo số liệu chính thức của chính phủ Nhật Bản, thảm họa sóng thần đã khiến khoảng 18.500 người chết hoặc mất tích và hàng chục nghìn người khác bị thương. Một số ước tính khác đặt số người tử vong hoặc mất tích ở mức 20.000 người. Tuy nhiên, trận động đất mới chính là yếu tố gây ra thiệt hại lớn tại Nhật Bản.

Do động đất, các khu vực bị ảnh hưởng tại Nhật Bản đều đã chứng kiến các vụ hỏa hoạn trong khi cơ sở hạ tầng, đường giao thông và nhà ở của người dân bị hư hại nặng nề. Một nhà máy hóa dầu ở Sendai, một phần của thành phố Kesennuma ở tỉnh Miyagi nằm ở phía đông bắc Sendai và một nhà máy lọc dầu tại Ichihara ở tỉnh Chiba, gần Tokyo là những nơi đã bị cháy.

Hình ảnh 2 trong số các tòa nhà ngăn chặn bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, tỉnh Đông Bắc Fukushima, Nhật Bản, vài ngày sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011. Ảnh: Shutterstock

Hình ảnh 2 trong số các tòa nhà ngăn chặn bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, tỉnh Đông Bắc Fukushima, Nhật Bản, vài ngày sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011. Ảnh: Shutterstock

Ngoài ra, một mối quan tâm lớn của thế giới sau động đất và sóng thần chính là tình trạng của các nhà máy điện hạt nhân ở vùng Tohoku, đặc biệt là nhà máy Fukushima Daiichi nằm ở phía đông bắc tỉnh Fukushima, cách Sendai khoảng 100 km về phía nam.

Do mất điện, hệ thống làm mát đã ngừng lại và khiến nhiệt độ tại các lò phản ứng tại nhà máy Fukushima Daiichi tăng mạnh. Nhiệt độ cao thậm chí còn làm tan chảy lõi tại 3 trong số các lò phản ứng và tới giữa tháng 3/2011, ngọn lửa bùng phát tại một lò phản ứng, gây ra rò rỉ phóng xạ.

Lo ngại về khả năng phơi nhiễm phóng xạ, các quan chức Nhật Bản đã thiết lập vùng cấm bay và khu vực sơ tán 30 km xung quanh nhà máy. Tới cuối tháng 3/2011, nước biển gần nhà máy Fukushima Daiichi được phát hiện nhiễm phóng xạ i-ốt-131 ở mức độ cao.

Tới khoảng giữa tháng 4/2011, các cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản đã nâng mức độ nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp hạt nhân tại cơ sở Fukushima Daiichi từ 5 lên 7— mức cao nhất trong thang đo do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế lập ra. Mức độ này khiến thảm họa hạt nhân Fukushima nghiêm trọng ngang với thảm họa hạt nhân Chernobyl tại Liên Xô năm 1986.

Tuy nhiên tới tháng 12/2011, Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko tuyên bố cơ sở Fukushima Daiichi đã ổn định trở lại và mức phóng xạ trong khu vực cũng đã được hạ xuống ngưỡng an toàn.

Một em bé Syria 7 tuổi được cứu khỏi đống đổ nát 50 giờ sau khi trận động đất xảy ra tại tỉnh Idlib. Ảnh: AP

Một em bé Syria 7 tuổi được cứu khỏi đống đổ nát 50 giờ sau khi trận động đất xảy ra tại tỉnh Idlib. Ảnh: AP

Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria năm 2023

Sáng sớm ngày 6/2, một trận động đất với cường độ 7,8 độ Richter xảy ra ở độ sâu 18km gần thành phố Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 11 phút sau khi trận động đất chính xảy ra, dư chấn mạnh nhất với cường độ 6,7 độ Richter xảy ra cách tâm chấn của trận động đất khoảng 32 km về phía Tây Bắc. Một dư chấn dữ dội khác với cường độ 5,6 độ Richter xảy ra 19 phút sau trận động đất chính.

Trận động đất này gây ảnh hưởng nặng nề nhất tới khu vực miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria trong khi khiến cả các quốc gia lân cận như Syria, Lebanon, Cyprus hay Hy Lạp rung chuyển. Khung cảnh quay lại được từ trên không cho thấy phạm vi tàn phá vô cùng rộng lớn khi toàn bộ các khu dân cư ở hầu hết các vùng bị ảnh hưởng chỉ còn là các khối kim loại vặn vẹo, các mảng bê tông vỡ và dây điện bị đứt.

Tổng số người thiệt mạng đã vượt ngưỡng 21.000 người với hơn 17.300 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 3.300 người tại Syria, trong khi hàng trăm nghìn người khác bị thương. Với các nỗ lực cứu hộ vẫn đang được tiến hành, số người tử vong được dự đoán sẽ không chỉ dừng lại ở con số này.

Tới hiện tại, cơ quan quản lý thiên tai của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 110.000 nhân viên cứu hộ hiện đang tham gia vào nỗ lực giải cứu với hơn 5.500 phương tiện bao gồm máy kéo, cần cẩu, máy ủi và máy xúc đã được chuyển đến từ 95 quốc gia đề nghị giúp đỡ. Nhiều quốc gia và các tổ chức nhân đạo cũng đang xuất hiện tại Syria để giúp ứng phó với thảm họa và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân nơi đây.

Tin liên quan

Đọc tiếp