Doanh nghiệp và hợp tác xã còn thiếu tiếng nói chung trong liên kết

HTX DOANH NGHIỆP
20:12 - 03/08/2023
Lòng tin là yếu tố cốt lõi tạo nên sợi dây liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp. Ảnh: Phương Thảo.
Lòng tin là yếu tố cốt lõi tạo nên sợi dây liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp. Ảnh: Phương Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Cái bắt tay giữa doanh nghiệp và hợp tác xã vẫn còn lỏng lẻo do những khó khăn khách quan và thiếu tiếng nói chung từ cả hai phía.

Doanh nghiệp coi trọng chữ tín chất lượng

Chia sẻ về các yếu tố để hợp tác với các hợp tác xã hay nhà sản xuất tại diễn đàn “Liên kết vùng trong phát triển kinh tế phát huy thế mạnh địa phương” ngày 3/8, ông Trần Đình Chiến, CEO chuỗi bán lẻ thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết đây là chuỗi thực phẩm sạch nên ưu tiên về nông sản hữu cơ.

Điều kiện tiếp cận chuỗi này cho các hợp tác xã là đảm bảo an toàn thực phẩm, có đủ giấy tờ pháp lý, chứng nhận Vietgap và các chứng nhận quốc tế. “Tuy nhiên, hiện nay các chứng nhận cho sản phẩm của bà con cũng chưa được nhiều, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng nhiều chứng nhận phù hợp với nông sản của các hợp tác xã hơn”, ông Chiến kiến nghị hướng giải quyết.

Yếu tố thứ hai được CEO Bác Tôm nêu ra là mong muốn hợp tác với nhiều hợp tác xã có khả năng ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số. Hiện tại, các hóa đơn hay giao dịch qua điện thoại, zalo ở Bác Tôm gần như không còn nữa, chủ yếu là trên các hệ thống quản trị để đảm bảo quản trị khoa học, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Cơ sở thứ ba giúp liên kết hợp các tác xã với Bác Tôm là nhà sản xuất cần có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.

"Đây là 3 yếu tố ưu tiên khi hợp tác với các hợp tác xã của Bác Tôm nhưng không phải là bắt buộc. Để quyết định hợp tác, liên kết với các hợp tác xã, chúng tôi cũng sẽ có những xem xét từng yếu tố, thế mạnh, điểm yếu cho bà con nông dân”.

Ông Trần Đình Chiến, CEO chuỗi bán lẻ thực phẩm sạch Bác Tôm

Cùng có những tiêu chí giống Bác Tôm, bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Việt Nam chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi bắt tay với bà con nông dân là tính cam kết của các hợp tác xã chưa mạnh.

“Điển hình, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho một số hợp tác xã với giá cao gấp đôi so với giá bán trên thị trường, nhưng cứ đến mùa thu hoạch, hợp tác xã lại mang hàng tốt đi bán cho các siêu thị, còn hàng loại hai cung cấp cho chúng tôi. Chúng tôi rất muốn phân phối hàng hoá cho bà con nông dân nhưng vẫn giữ cách làm việc này thì rất khó hợp tác”, bà Hằng thẳng thắn chia sẻ.

Hợp tác xã mong muốn một sân chơi công bằng

Ngược lại ở phía hợp tác xã, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội) bày tỏ nỗi niềm, các chủ thể liên kết chưa thực sự tạo ra một sân chơi công bằng.

"Liên kết mà đẩy cái khó khăn cuối cùng cho người nông dân thì bài toán liên kết sẽ vẫn bỏ ngỏ. Doanh nghiệp phân phối là chủ thể bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người nông dân, là ‘bà đỡ’ quyết định sản xuất gì, cho ai, đối tượng nào. Nhưng hiện nay, chúng tôi chưa nắm được tiêu chuẩn cụ thể của các doanh nghiệp phân phối nhất là về tiêu chuẩn nông sản hữu cơ như thế nào, bao bì mẫu mã ra sao”.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nông trại xanh Ba Vì

Theo ông Hùng, bà con nông dân, các hợp tác xã rất muốn được là mắt xích trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp nhưng chưa có nhiều cơ hội giao lưu với những chủ thể đầu ra. Do đó, ông Hùng kiến nghị có nhiều hơn sân chơi cho hợp tác xã tiếp cận thông tin và chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu của nhà phân phối.

Một yếu tố khác theo Giám đốc Hợp tác xã nông trại xanh Ba Vì rất quan trọng là chính sách kết nối các mắt xích trong chuỗi lại với nhau. “Xin kiến nghị các nhà hoạch định chính sách xây dựng cơ chế đặc thù riêng cho từng vùng miền để tạo sự gắn kết cho các địa phương. Đồng thời thúc đẩy các đầu kéo đủ lực kéo hợp tác xã, người nông dân cùng đi lên”, ông Tạ Viết Hùng kiến nghị.

Trước những trăn trở của doanh nghiệp, hợp tác xã về việc đẩy mạnh mối liên kết, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, vấn đề liên kết giữa hai chủ thể này là vấn đề muôn thuở chưa có lời giải.

Ông Thịnh nhìn nhận, một trong những lý do khiến câu chuyện liên kết còn nan giải là do chưa có nhiều cơ chế liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành cụm liên kết ngành.

Các nội dung liên kết vùng quan trọng như liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch, liên kết đầu tư phát triển, liên kết trong việc đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu chưa được triển khai một cách đầy đủ.

“Một khi có sự liên kết vùng bền vững sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hợp tác xã có thể chủ động hợp tác về mặt công nghệ, hình thành vùng trồng mẫu lớn gắn với xây dựng mã vùng trồng, gắn với xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản công suất lớn, hiện đại có khả năng chế biến sâu”, ông Lê Đức Thịnh phân tích.

Tin liên quan

Đọc tiếp