Người châu Âu đối mặt 'sụt giảm lịch sử' về mức sống vì cấm vận Nga

Mức sống CHÂU ÂU
06:44 - 09/04/2022
Lạm phát, giá lương thực, năng lượng tăng mạnh đang là thách thức của người dân châu Âu. Ảnh: Reuters
Lạm phát, giá lương thực, năng lượng tăng mạnh đang là thách thức của người dân châu Âu. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Bà Clare Daly, thành viên Nghị viện châu Âu cho rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga đang kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine và khiến mức sống của người dân châu Âu sụt giảm dữ dội.

Theo hãng RT, phát biểu của bà Clare Daly được đưa ra trước Nghị viện châu Âu một ngày trước khi khối bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm vận hoàn toàn với than, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt của Nga. Bà Daly nhận xét các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt là không hiệu quả đối với Điện Kremlin và có khả năng trở thành “thảm họa" đối với người châu Âu.

“Từ khi nào mà việc không bán bơ Kerrygold cho Nga sẽ cứu được người Ukraine? Từ khi nào mà việc mua khí đốt từ Mỹ có ngăn chặn được xung đột?”, bà nói và đề cập đến việc châu Âu đang nhập khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ (LNG), với chi phí cao hơn sản phẩm của Nga.

“Liên minh châu Âu (EU) đã tự bắn vào chân mình khi ủng hộ việc áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga”, bà Daly nhấn mạnh.

Một người đàn ông đang đổ xăng tại trạm xăng ở Krakow, Ba Lan. Ảnh: Getty Images

Một người đàn ông đang đổ xăng tại trạm xăng ở Krakow, Ba Lan. Ảnh: Getty Images

Đồng thời, nữ thành viên Nghị viện châu Âu này cũng cảnh cảnh báo rằng, việc khối từ chối nhập khẩu năng lượng từ quốc gia lớn nhất châu Âu sẽ dẫn đến giá năng lượng và lạm phát tăng vọt và gây suy giảm mức sống. Người dân châu Âu đang đối mặt với sự phản tác dụng từ các lệnh trừng phạt này.

Theo New York Times, ông Carlos Torres Diaz, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty tư vấn Rystad, cũng nhận xét các biện pháp trừng phạt năng lượng là “con dao hai lưỡi”. Mặc dù khối EU có thể dễ dàng thay thế than Nga bằng nguồn cung từ bất kỳ nước nào khác, nhưng việc chặn xuất khẩu từ Nga cũng góp phần đẩy mức giá cao hơn.

Trong khi EU có kế hoạch cắt giảm hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030, đa số thành viên trong nghị viện đều muốn khối thúc đẩy nhanh kế hoạch này.

Nghị quyết yêu cầu cấm vận năng lượng Nga đã được châu Âu bỏ phiếu trong ngày 8/4, với 513 phiếu thuận, 22 phiếu chống và 19 phiếu trắng. Mặc dù không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng nghị quyết đã được thông qua ngay cả khi các chính phủ trên khắp châu Âu yêu cầu công dân của họ phải cố gắng tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt tăng mạnh và lạm phát ở khu vực đồng Euro đạt mức cao nhất mọi thời đại, đạt 7,5% vào tháng 3.

Tại quê hương Ireland của bà Daly, lạm phát hàng năm đã tăng vọt lên 6,7% vào tháng 3, một tỷ lệ chưa từng có trong gần 40 năm qua. Trong tuần này, Bộ trưởng Môi trường, Khí hậu và Truyền thông Ireland Eamon Ryan đã kêu gọi người dân trong nước nên tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm thời gian tắm và lái xe ít hơn.

Bà Daly, một nhà vận động chống chiến tranh nổi tiếng, người đã công khai lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Ukraine, nhưng cũng chỉ trích chính sách trang bị vũ khí cho Kiev của EU.

“Thay vì thúc đẩy hòa bình và hành động vì lợi ích của người dân châu Âu, người Ukraine, người dân EU và cả người Nga, EU lại đã trở thành một công cụ của NATO và ngành công nghiệp - quân sự. Chúng ta nên khôi phục vai trò là nhà ngoại giao thúc đẩy hòa bình”, bà nói.

Theo ước tính của Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, lạm phát tháng 3 của khu vực Eurozone tăng vọt lên mức 7,5%, so với mức 5,9% của tháng 2, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chiến sự Nga - Ukraine.

Trong ngày 8/4, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công bố, giá lương thực thế giới trong tháng 3 tăng gần 13%. Đây là mức cao kỷ lục mới do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cơ quan này dự báo, giá lương thực và thực phẩm có thể tăng tới 20%.

Chỉ số giá lương thực FAO, theo dõi các mặt hàng lương thực được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đạt trung bình 159,3 điểm vào tháng 3, tăng cao hơn so với mức điểm 141,4 (đã sửa đổi) vào tháng 2. Trong đó, chỉ số giá ngũ cốc tăng 17%, giá dầu thực vật tăng 23% - mức cao nhất mà thế giới ghi nhận.

Tin liên quan

Đọc tiếp