Hải Dương: Huyện Cẩm Giàng công nhận thêm 7 sản phẩm OCOP 3 sao

OCOP Hải Dương
10:45 - 17/12/2023
Hải Dương: Huyện Cẩm Giàng công nhận thêm 7 sản phẩm OCOP 3 sao
0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) vừa công nhận 7 sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn huyện năm 2023.

Các sản phẩm được công nhận gồm có nấm rơm Văn Long của hộ kinh doanh Cù Văn Long (thôn Đỗ Trung, xã Cao An); dưa hấu Ngọc Liên của hộ kinh doanh Vũ Văn Huynh (thôn Bằng Nghĩa, xã Ngọc Liên); cà rốt tươi Cẩm Văn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn (thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn); bánh đa Hồng Nhữ của hộ kinh doanh Lương Công Nhữ (xã Cẩm Điền); trứng gà trắng Cẩm Đông của Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ thương mại Cẩm Đông (thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông); nấm sạch Thịnh Phong của hộ kinh doanh Vũ Hồng Phong (xã Cẩm Đoài); trứng gà Việt Thuấn của hộ kinh doanh Bùi Hữu Hòa (xã Định Sơn).

Năm 2023, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Ảnh: Lê Sơn.

Năm 2023, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Ảnh: Lê Sơn.

Sau 4 năm thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, đến nay huyện cẩm Giàng đã có 27 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 26 sản phẩm 3 sao và một sản phẩm là cà rốt tươi Đức Chính đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, huyện phấn đấu đến năm 2025 có thêm khoảng 10 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất một sản phẩm đạt 4 sao.

Đồng thời, củng cố và nâng cấp khoảng 25% sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm; 25% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Cẩm Giàng sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, có ít nhất 20% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng OCOP, sàn giao dịch thương mại điện tử... và định hướng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, huyện có các hình thức cố vũ các hộ kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, nhãn mác, hướng tới hình thành các sản phẩm thương hiệu cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Huyện cũng phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý Chương trình; phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều hành, triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

Sau 4 năm thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, đến nay huyện cẩm Giàng có 27 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Ảnh: Lê Sơn.

Sau 4 năm thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, đến nay huyện cẩm Giàng có 27 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Ảnh: Lê Sơn.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, huyện định hướng tập trung phát triển sản phẩm gắn với xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu, trong đó phát triển các sản phẩm trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; các sản phẩm chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và An toàn dịch bệnh động vật; sản phẩm thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng thời, phát triển theo 6 nhóm sản phẩm gắn với giá trị văn hóa địa phương, lợi thế của địa phương gồm sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề... và dịch vụ du lịch cộng đồng.

Huyện cũng sẽ tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Tổ chức đi trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tế tại một số tỉnh, thành phố đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình. Ngoài ra, đẩy mạnh phong trào phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP…

Tin liên quan

Đọc tiếp